Tại Mỹ có khoảng 4.000 sản phẩm thực phẩm chức năng, 70% dân số nước này sử dụng. Việt Nam xuất hiện thực phẩm chức năng từ năm 2000, đến nay trên thị trường đã có hơn 10.000 sản phẩm đang lưu hành, gần 7% người dân có sử dụng. Sự phát triển quá nóng khiến thị trường thực phẩm chức năng tại nước ta thời gian quá khá lộn xộn.
Phát biểu tại hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất (GMP) cho thực phẩm chức năng, diễn ra ngày 13/8, tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, thừa nhận hoạt động này đang tồn tại quá nhiều hạn chế, bất cập cần khắc phục.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn Thực phẩm. Ảnh: H.A.
Mới đây, cơ quan chức năng phát hiện một doanh nghiệp có diện tích văn phòng khoảng 9 m2 nhưng cũng công bố tiêu chuẩn sản phẩm chất lượng thực phẩm chức năng; sau đó đi thuê các nhà máy khác gia công. Khi sản phẩm tung ra thị trường, cơ quan quản lý phát hiện những bất cập về chất lượng, tìm đến địa chỉ doanh nghiệp đăng ký thì công ty này đã rời đi từ bao giờ và không ai biết thông tin.
Bên cạnh đó, tình hình quảng cáo đang khá lộn xộn. Theo quy định, trước khi quảng cáo, nội dung phải được cơ quan chuyên môn thẩm định. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn bán nhiều sản phẩm thu lợi nhuận nên đã bất chấp sai phạm, cố tình quảng cáo thổi phồng, sai sự thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
“Trong khi đó lực lượng thanh tra còn mỏng và xử lý chưa được mạnh tay nên các doanh nghiệp vẫn liên tục vi phạm”, tiến sĩ Phong nói.
Gần đây cũng có hiện tượng một số công ty xin tổ chức hội thảo nhưng kết hợp khám, tư vấn sức khỏe và bán thực phẩm chức năng. Cục đã có văn bản yêu cầu các Sở Y tế giám sát chặt việc này. Tình trạng bị làm giả, nhái ngày càng nhiều. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã bắt một số vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả lớn. Từ đầu năm 2015 đến nay riêng Bộ Y tế đã xử lý với số tiền phạt trên 5 tỷ đồng.
Theo tiến sĩ Phong, thực phẩm chức năng có quy định, quy trình từ công bố, kiểm nghiệm, ghi nhãn, vệ sinh cơ sở, tài liệu khoa học chứng minh tác dụng của sản phẩm… Chỉ doanh nghiệp nào đáp ứng các yêu cầu này mới được cấp phép lưu hành. Tất nhiên, thực phẩm chức năng không bị yêu cầu khắt khe như thuốc.
Ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng An toàn Thực phẩm, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng, cho rằng những quy định hiện hành là chưa đủ. Ở Việt Nam ai cũng có thể sản xuất thực phẩm chức năng được, công thức thành phần còn tùy tiện, đưa cả thành phần tân dược, chất cấm, chất độc hại vào. Vấn đề chất lượng hiện chỉ dựa vào công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Việc đánh giá tính hiệu quả, công bố về tác dụng với sức khỏe của sản phẩm chủ yếu dựa vào bằng chứng kinh nghiệm (cơ sở y học cổ truyền); mới kiểm nghiệm được chỉ tiêu an toàn (vi khuẩn, kim loại nặng, nấm mốc). Mon an ngon
Theo ông Đáng, cần thiết quy định cụ thể các điều kiện về nguồn nguyên liệu; cơ sở; trang thiết bị - dụng cụ; con người; quy trình công nghệ; cơ sở thí nghiệm. Bên cạnh đó, cần quy định về công bố tác dụng với sức khỏe của sản phẩm; cấm với trẻ em dưới 2 tuổi như quy định của Codex, Mỹ, Canada, Pháp...; quy định đối tượng sử dụng, chú ý các nhóm đặc biệt (phụ nữ có thai, sơ sinh, người già, người có nguy cơ sức khỏe và người có bệnh).
Cục An toàn thực phẩm sẽ tiến hành rà soát văn bản, bổ sung văn bản còn thiếu kịp thời để siết lại tình hình sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét